Bạn có cảm giác lưỡi của mình bị đóng cặn trắng, gây khó chịu và nhạt miệng? Đây là tình trạng phổ biến ở mọi độ tuổi, đặc biệt ở người trưởng thành. Vậy lưỡi trắng là bệnh gì, đâu là nguyên nhân gây ra vấn đề này? Dưới đây là một vài thông tin hữu ích của iRefresh về bệnh lưỡi trắng và cách chăm sóc răng miệng để giữ khoang miệng luôn sạch sẽ, thơm tho.
Lưỡi trắng là bệnh gì? Nguyên nhân khiến lưỡi trắng
Lưỡi trắng là bệnh gì?
Lưỡi của bạn có thể chuyển sang màu trắng khi các mô nhỏ trên bề mặt lưỡi (nhú lưỡi) bị sưng. Lúc đó, vi khuẩn, thức ăn thừa và các tế bào chết đều có thể bị mắc kẹt giữa các mô nhỏ này, sau đó hình thành một lớp phủ màu trắng trên bề mặt lưỡi của bạn, đồng thời gây hôi miệng. Lưỡi trắng không phải là một loại bệnh, nhưng trong một số trường hợp, đây có thể là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của bạn đang có vấn đề.
Nguyên nhân khiến lưỡi trắng?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bao gồm:
- Vệ sinh răng miệng kém: Nếu bạn không có thói quen chăm sóc răng miệng tốt, các mảnh thức ăn có thể còn đọng lại trong khoang miệng, tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi, gây nên tình trạng lưỡi trắng.
- Khô miệng: Nước bọt giữ cho các mô mềm trong miệng luôn ẩm và rửa trôi các mảnh thức ăn cũng như vi khuẩn khỏi bề mặt răng. Việc thiếu nước bọt ngăn khả năng loại bỏ mảnh thức ăn thừa trong miệng, và chúng có thể bám lại ở trên lưỡi của bạn.
- Thuốc lá: Hút xì gà hoặc sử dụng các sản phẩm từ thuốc lá có thể lưu lại mùi hôi trong miệng bạn. Đồng thời việc sử dụng các sản phẩm này cũng có thể gây ra khô miệng.
- Các tình trạng bệnh lý: Một số tình trạng cụ thể như viêm xoang hoặc chảy dịch mũi sau có thể để lại một lớp màng trên lưỡi và gây ra hôi miệng. Các bệnh liên quan về đường tiêu hóa cũng có thể gây nên tình trạng tương tự.
Lưỡi trắng mang lại nhiều bất tiện trong cuộc sống. Các mảng bám màu trắng trên lưỡi sẽ khiến vị giác của bạn suy giảm, gây nhạt miệng, đắng miệng. Đồng thời lưỡi trắng cũng là một trong những nguyên nhân gây hôi miệng, hoặc có thể là dấu hiệu của bệnh tưa miệng, viêm lưỡi.
Cách điều trị lưỡi trắng hiệu quả
Đối với tình trạng lưỡi trắng do vệ sinh răng miệng không đúng cách, bạn có thể thực hiện theo các cách sau đây để loại bỏ mảng bám trên lưỡi:
- Sử dụng nước muối ấm: Muối có đặc tính kháng khuẩn, sát trùng. Vậy nên ngậm hoặc súc miệng với nước muối ấm pha loãng 2 lần/ ngày sẽ giúp bạn cải thiện tình trạng lưỡi trắng.
- Sử dụng muối nở và nước cốt chanh: Trộn muối nở và nước cốt chanh, sau đó thoa nhẹ lên vùng lưỡi 2 lần/ ngày sẽ hạn chế triệu chứng lưỡi trắng.
- Sử dụng tinh bột nghệ: Nghệ cũng là một loại củ có tính kháng khuẩn và kháng nấm hiệu quả. Bạn chỉ cần chà nhẹ một ít tinh bột nghệ lên vùng lưỡi mỗi ngày để loại bỏ các mảng bám màu trắng trên lưỡi.
Trong một số trường hợp, lưỡi trắng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm. Nếu tình trạng lưỡi trắng kéo dài không dứt, bạn cần đến Bệnh Viện hoặc các cơ sở y tế để xác định nguyên nhân cụ thể và điều trị kịp thời.
Phòng ngừa tình trạng lưỡi trắng
Dưới đây là vài điều bạn có thể bắt đầu thực hiện để làm sạch lưỡi và giữ hơi thở thơm tho, ngăn ngừa trắng lưỡi:
- Thói quen chăm sóc răng miệng tốt: Đánh răng hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa thường xuyên. Vệ sinh lưỡi với cây cạo lưỡi một cách nhẹ nhàng để loại bỏ lớp màng trắng trên lưỡi hiệu quả mà không làm tổn thương nhú lưỡi. Bạn có thể sử dụng thêm nước súc miệng khi vệ sinh răng miệng hàng ngày để có được hơi thở thơm mát hơn.
- Uống thật nhiều nước: Uống nhiều nước giúp bạn không bị khô miệng.
- Thực phẩm: Cố gắng tránh ăn các loại thức ăn có thể gây hôi miệng.
- Thăm khám nha sĩ: Hãy lên lịch hẹn khám răng định kỳ. Nha sĩ sẽ đánh giá sức khỏe răng miệng và đưa ra các hướng dẫn cụ thể dựa trên hồ sơ bệnh án nha khoa của bạn.
Lưỡi trắng có thể là biểu hiệu của tình trạng hôi miệng, bệnh tưa lưỡi hoặc các bệnh lý khác. Vậy nên bạn cần duy trì thói quen vệ sinh răng miệng tốt, chú ý đến các loại thực phẩm đưa vào cơ thể và bổ sung đủ nước để không chỉ răng miệng mà cơ thể của bạn đều được khỏe mạnh.